You are currently viewing 20 Giờ Đầu Tiên

20 Giờ Đầu Tiên

20 Giờ Đầu Tiên - Bơ Đậu Phộng
Author:
Số trang: 300
Hoàn thành: 14/12/2023
Category:

Bơ Đậu Phộng Reviews

Để lên kế hoạch tốt cho self-learning, các mục tiêu công việc, định hướng phát triển cá nhân vào năm 2024, thì đầu năm mình đã chọn đọc 3 quyển sách kỹ năng hướng dẫn thực tế các phương pháp đạt được kế hoạch trên của mình. Và đây là thứ tự mình recommend bạn đọc:

  1. The 12 week year: The 12 Week Year – Bơ Đậu Phộng (bodauphong.vn)
  2. 20 giờ đầu tiên: Bạn đang ở link review quyển sách này.
  3. Deep Work: Deep Work – Bơ Đậu Phộng (bodauphong.vn)

Mình tự nhận bản thân là một người học trọn đời, mình không chỉ học những kỹ năng để luôn phát triển trong công việc, mà mình còn thích học những ngách kiến thức về tâm lý, xã hội, tôn giáo, phát triển bản thân,… Nhưng nếu như cuộc sống này vận hành theo nguyên lý 10,000 giờ mà Malcolm Gladwell viết trong quyển sách Những kẻ xuất chúng, và một ngày mình tự học 5 tiếng, thì phải mất 5 năm rưỡi mình mới có thể học được 1 kỹ năng, 1 lĩnh vực nào đó à? Đời người có bấy nhiêu năm đâu nên nghe hơi nản nhỉ? Thêm nữa, ví dụ mình tìm hiểu về tâm lý học cũng không phải để trở thành therapy, mình tìm hiểu về tôn giáo, Thần học cũng không để trở thành Linh Mục =))). Vậy có cách nào để một người học trọn đời như mình có thể học được nhiều thứ, dù chỉ dành ra ít thời gian vì mình còn bao việc khác để lo không?

Josh Kaufman tác giả của quyển sách 20 giờ đầu tiên nói có :)))

Nếu mình có một hướng học tập đúng đắn, mình chỉ tốn 20 giờ đầu tiên để học được cơ bản bất kỳ kỹ năng nào mà mình muốn.

Mình đã áp dụng và thành công, kỹ năng đầu tiên là học làm Website. Đây đây, Website Bơ Đậu Phộng này đây, mình dành ra 2 tiếng mỗi ngày để học làm Website, trong 2 tuần mình đã hiểu cách thức làm BẤT KỲ Website nào, và tạo được thành công Website collect và review sách theo ý thích của mình. Sau đó mình dành thêm 2 tuần nữa để thiết kế banner, cân chỉnh giao diện, và up data (chắc đoạn đăng sách này là tốn thời gian nhất). Kỹ năng tiếp theo mình ứng dụng là kết hợp cùng phương pháp Deep-Work (mình có mention trong phần review Deep-work), kết quả sản phẩm mình tạo ra mang tính “độc nhất”, high-quality, đương nhiên mình cũng thu về chi phí cao cho sản phẩm ấy.

Vậy cái phương pháp “20 giờ đầu tiên” thần thánh này là gì?

Đầu tiên là nó không thần thánh. Nó chỉ là các bước cụ thể hướng dẫn bạn tự học một kỹ năng hoàn toàn mới, thậm chí trái với ngành nghề của bạn và có độ khó.

***Lưu ý: Để hiểu sâu hơn và đúc kết được kinh nghiệm theo góc nhìn cá nhân thì mình khuyên bạn tìm mua sách để đọc nha. Những phần mình kể bên dưới chỉ là kinh nghiệm của mình khi ứng dụng thôi.

  1. Xác định và tự tạo động lực về kỹ năng muốn học
    Bạn đặt câu hỏi như, Kỹ năng ấy là gì? Bạn học để làm gì? Khi xác định được mục tiêu, bạn sẽ có động lực để học tập, duy trì và tiến bộ.
  1. Nhìn kỹ năng này như… ngày tận thế
    Đây là phương pháp đẩy não bộ vào thế sinh tồn, trong tình huống này bạn sẽ vừa gấp rút, tập trung, và lựa chọn đúng đắn mình buộc phải làm gì để đạt được kỹ năng ấy trong thời gian cấp bách nhất. Mình ví dụ:
    – Ví dụ 1: Bạn đi lạc ở Ý trong một vùng quê hẻo lánh và điện thoại bạn hết pin. Lúc này bạn vừa cần đi vệ sinh, vừa cần tìm đường đi về lại thành phố. Nhưng bạn lại không biết tiếng Ý, bạn không thể dành 10,000 giờ để học tiếng Ý được vì đây là “ngày tận thế” rồi. Lúc này khó khăn lắm bạn mới tìm được một người dân để diễn tả cho họ hiểu và chỉ bạn nơi đi vệ sinh đúng không? May mắn thay người dân hiếm hoi này hiểu ý bạn và chỉ bạn nơi có thể giải tỏa. Khi xong chuyện bạn lại nhờ bác chỉ hướng đi về thành phố, nhưng đường đi khó khăn, bạn khó có thể hình dung khi chưa đặt chân đến, thế là bạn nhờ bác ấy chỉ bạn cách hỏi đường bằng tiếng Ý, để trên quá trình đi đến đó bạn sẽ tiết kiệm thời gian trong phần giao tiếp hơn. Cuối cùng bản năng sinh tồn trỗi dậy, ngôn ngữ mà bạn tốn cả mớ thời gian mới học được xin chào và cảm ơn, thế mà trong vỏn vẹn đôi mươi phút bạn đã có thể giao tiếp hỏi đường với người bản địa. (Đây chỉ là ví dụ vui mình đặt ra để bạn hình dung việc khi vào tình huống “ngày tận thế” sự nhanh nhạy của bản thân sẽ được khai thác, bạn sẽ cố tìm được hướng dễ dàng nhất để học nhanh nhất kỹ năng ấy).
    – Ví dụ 2: “Ngày tận thế” cũng có thể là deadline. Vào thời buổi kinh tế khó khăn và bạn đang thất nghiệp, sau hàng chục công ty bạn gửi CV thì chỉ có một công ty duy nhất liên lạc bạn. Công ty này có gửi bạn một bài test trước khi phỏng vấn và deadline là trong 5 ngày, trớ trêu thay công ty cần bạn có kỹ năng Thiết kế đồ họa cơ bản, bạn lại chưa từng biết thiết kế là gì, nhưng đây là công việc bạn rất muốn có được. Thế là nhờ deadline này, “ngày tận thế” đã giúp bạn tập trung cao độ tìm hiểu về các công cụ thiết kế, các video hướng dẫn cần thiết, các tài liệu liên quan để hoàn thành bài test này. Trong 5 ngày này bạn đã cố gắng học một kỹ năng vô cùng bổ ích mà nếu đi theo hướng thông thường phải tốn cả vài tháng đến 1 năm mới có thể học được. (Sau ví dụ này bạn có thể hình dung thêm rằng, khi có deadline cụ thể và gấp rút, tiêu chuẩn của mục tiêu rõ ràng, như ở đây là bài test thiết kế đồ họa cơ bản, thì từ đó bạn sẽ dùng “bản năng sinh tồn” để tìm đường đi ngắn nhất và hiệu quả vừa đủ nhất để đạt được).
    Ngoài các ví dụ trên thì để rơi vào trạng thái “ngày tận thế” trong cuộc sống thực, bạn có thể chọn cách hứa hẹn với bản thân, hoặc chia sẻ với bạn bè mục tiêu và thời gian hoàn thành kỹ năng bạn dự kiến sẽ học. Như lúc mình bắt đầu học làm Website này, mình đã kể cho Reading-buddy của mình và 2 người bạn, nhằm mục đích xem đó là động lực và là deadline để rơi vào “ngày tận thế”.
  1. Phân tích kỹ năng một cách siêu thực tế
    Trạng thái “ngày tận thế” sẽ đưa bạn đến cách phân tích chi tiết về kỹ năng bạn sẽ học. Lúc này bạn cần ghi rõ ra những giai đoạn từ cơ bản đến nâng cao của kỹ năng này, và giai đoạn nào sẽ phù hợp với bạn từ lúc bắt đầu đến khi hoàn thành mục tiêu trong thời điểm 20 giờ đầu tiên này. Ví dụ bạn muốn bắt đầu học Violin từ số 0 trong 20 giờ, thì chắc chắn bạn sẽ chơi được một bản cơ bản và đơn giản, đừng lập mục tiêu “mơ mộng” như sau 20 giờ sẽ chơi được bản Ave Maria, hay bản God Save The King khó nhất thế giới :))) lúc này thì việc phân tích của bạn đang không hiệu quả. Hãy cố gắng phân tích kỹ năng một cách thực tế và khả quan nhất.
  1. Tìm kiếm nguồn lực và mentor
    Có rất nhiều nguồn lực có thể giúp bạn học kỹ năng mới, bao gồm sách, bài viết, video, khóa học,… trên đa dạng nền tảng. Bạn cần tìm kiếm những nguồn lực phù hợp với mục tiêu và trình độ của mình.
    Mentor ở đây là người giỏi ở lĩnh vực mà bạn muốn học, có thể hướng dẫn bạn học kỹ năng này. Bạn có thể tìm mentor ở xung quanh, ở các nơi đào tạo hoặc trên mạng xã hội.
  1. Lên kế học học tập và bắt đầu
    Bạn hãy chia nhỏ 20 giờ đầu tiên cho từng ngày tùy theo thời gian rảnh cá nhân của bạn, và lên kế hoạch học tập theo lộ trình thời gian này.
  1. Học bằng cách làm
    Không có cách học nào dễ dàng hơn việc học thông qua làm. Hãy nhờ mentor, hoặc tự bạn, tạo ra các đề bài, đề từ đó bạn vừa học và vừa hoàn thành đề bài ấy. Nếu bạn đang trong tình huống có sẵn “đầu việc” để làm mục tiêu học tập thì quá tốt.
  1. Và những 20 giờ tiếp theo…
    Sau khi kết thúc 20 giờ học đầu tiên và bạn đã đạt được ít nhiều mục tiêu đề ra. Lúc này đừng dừng lại nha, hãy đánh giá và tự review lại 20 giờ học đầu tiên của bạn để lấy kinh nghiệm. Sau đó tiếp tục lên kế hoạch cho lộ trình nâng cao của 20 giờ tiếp theo.

Vậy với cách thức học tập và thực hành được lên kế hoạch cụ thể và có chủ đích, thì việc bạn trở thành master ở một kỹ năng hoặc một lĩnh vực rõ ràng không cần đến 5 tiếng/ngày và kiên trì suốt 5 năm rưỡi đúng không nào?

Cuối cùng mình muốn nói là, mình thấy hiệu quả và mình recommend, tuy nhiên đây không phải là phương pháp cũng như là quyển sách phù hợp với tất cả mọi người, tùy thuộc vào công việc bạn làm, mục tiêu bạn đặt ra, và mindset bạn đang có.

Chê xíu trước khi kết thúc nha. Phương pháp 20 giờ đầu tiên này không cần phải viết thành sách đâu, nó nên dừng lại ở video Tedtalk của Josh Kaufman (hoặc thêm 1-2 video nữa là đủ). Biết là cơ hội kinh doanh không thể bỏ lỡ nên Kaufman đã xuất bản phương pháp này thành sách, tuy nhiên vì sự chống chế này mà sách có rất nhiều chương dài lê thê và không cần thiết. Đây là mình chê sách thôi nhé, chứ phương pháp thì vẫn highly recommend.